Việt Nam ứng dụng công nghệ chống xói lở bờ sông, biển


Công nghệ cọc RAS column sử dụng hệ cánh cắt và cánh trộn quay ngược chiều được truyền động nhờ bộ động cơ kép giúp giải quyết gần như triệt để vấn đề sạt lở các khu vực ven sông, biển.

Công nghệ này được đề cập tạichuyên đề về trượt lở và xói mòn trong khuôn khổ hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật lần thứ 5 (Geotec Hanoi 2023) vừa tổ chức ngày 14 -15/12 tại Hà Nội.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Fecon, Trưởng ban tổ chức Geotec Hanoi 2023 cho biết, công nghệ RAS column do Raito Kogyo nghiên cứu thành công ở Nhật Bản từ 5 năm trước. Trong suốt 5 năm, rất nhiều công trình cảng biển, thi công ven biển tại Nhật Bản đã áp dụng công nghệ này và cho thấy hiệu quả. Đây là giải pháp công nghệ giúp tăng khả năng chịu lực của nền móng và chắn giữ các công trình ven biển hiệu quả cao.

Công nghệ RAS column sử dụng động cơ kép với công suất lớn có thể thi công qua lớp đất có trạng thái dẻo cứng tạo ra trụ đất xi măng có đường kính lên đến 2,5 m chiều sâu tới 35 m. Cần khoan có cánh xoắn liên tục giúp đưa dòng bùn trào ngược dễ dàng hơn và ít ảnh hưởng đến công trình xung quanh.

Việc kiểm soát thông số thi công của công nghệ RAS column đều tự động hóa và được điều khiển tại buồng điều khiển thông qua hệ thống sensor kết nối với máy tính chuyên dụng, kiểm soát liên tục theo thời gian thực trong quá trình thi công. Chính vì các yếu tố này mà trụ đất xi măng công nghệ RAS column không chỉ cải thiện chất lượng thi công mà còn giúp tạo nhiều lợi thế cạnh tranh so với công nghệ CDM truyền thống.

Ông Khoa cho biết, Fecon đã tiếp cận công nghệ này từ hội nghị Geotec Hanoi 2019 và chuyển giao, áp dụng thi công tại dự án xây dựng bến 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng. Quá trình triển khai cho thấy, công nghệ đảm bảo khả năng chịu lực vượt trội, chất lượng đồng đều 1.000 cọc như một mặc dù cọc đường kính lớn đến 1,8 m và sâu đến 30 m. Đặc biệt công nghệ này giúp rút ngắn tiến độ khâu xử lý nền dự án khoảng một năm so với các công nghệ thông thường.

Trước đó nhiều giải pháp đưa ra nhưng chưa đạt được mục tiêu vừa tăng chịu lực nền đất vừa chống sạt trượt ven sông, ven biển. “Công nghệ RAS column đã giúp giải quyết gần như triệt để vấn đề sạt lở và chịu lực đối với các khu vực chịu lực ven sông, biển thuộc các dự án kho cảng hoặc nhà máy lớn. Công nghệ cũng có thể chặn đứng các tác nhân gây xói mòn bờ – những vấn đề khó khăn từ trước đến nay”ông Khoa nói.

Theo ông Nguyễn Đình Cương, Trưởng nhóm xử lý nền Ban Kỹ thuật Fecon, việc áp dụng công nghệ RAS column trong thi công trụ đất xi măng giúp đạt được chất lượng công trình theo yêu cầu trong khi sử dụng lượng xi măng ít hơn so với công nghệ CDM (cọc xi măng đất) thông thường. Mục tiêu hướng tới khi áp dụng công nghệ RAS column là nâng cao năng suất thi công, từ đó giảm được rất nhiều thời gian và chi phí.

Sau dự án xây dựng bến 5,6 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc Cảng biển Hải Phòng, ông Khoa đánh giá, công nghệ RAS column có thể mở rộng triển khai ở nhiều dự án khác trên cả nước do tính tối ưu của công nghệ cả về kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.

Công nghệ Ras column ứng dụng thi công cọc xi măng đất xử lý nền đất yếu được giới thiệu tại Geotec Hanoi 2023. Ảnh: Hải Minh

Công nghệ Ras column ứng dụng thi công cọc xi măng đất xử lý nền đất yếu được giới thiệu tại Geotec Hanoi 2023. Ảnh: Hải Minh

Ông Khoa cho biết, từ kinh nghiệm triển khai tại Nhật Bản và Việt Nam, với mỗi công trình cụ thể sẽ có nghiên cứu đất nền để đưa ra vật liệu phù hợp. Điều này là cơ sở để mở rộng ứng dụng công nghệ sang nhiều loại hình dự án với các yêu cầu chịu lực khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở các dự án ven sông ven biển.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Thời gian qua Việt Nam phải đối mặt với vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nghiêm trọng. Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long hiện có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 740 km. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu là những điểm nóng về sạt lở với phạm vi, tốc độ mạnh.

Các chuyên gia đánh giá, công nghệ RAS column có thể giải bài toán trong thiết kế và thi công với mục tiêu kép là chịu lực và chống sạt lở xói mòn nhằm đảm bảo bền vững cho công trình.

Nguyên Thảo (VNexpress)